Tiếp tục tranh luận về quyết định của Đại học Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long): Cấm giảng viên, sinh viên mặc quần jeans tới lớp, hai nhà giáo kỳ cựu đồng loạt đưa ra ý kiến cá nhân phản bác.
Hình ảnh được ghi lại trước cổng trường ĐH Cửu Long trong thời gian nhà trường đưa ra quy định cấm giảng viên, sinh viên mặc quần jeans tới lớp (ảnh: Người Lao Động)
Tại sao cấm?!
Đó là câu hỏi mà PGS Văn Như Cương - nguyên hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) phải thốt lên khi nghe tới quy định này.
“Đúng là cần có những quy định khắt khe về chuyện ăn mặc ở những nơi như giảng đường hay chùa chiền... Tuy nhiên, với quy định cấm quần jeans mà trường Đại học Cửu Long đưa ra, tôi nghĩ cần xem xét lại nhất là khi trường có tới hơn 80% giảng viên, sinh viên hay mặc loại quần này”, thầy Cương nhấn mạnh.
Nói về lý do nên bỏ quy định bất hợp lý này, PGS Văn Như Cương cho rằng, mặc quần jeans cũng rất tiện. Chưa kể, đưa ra quy định, bắt thực hiện ngay thì đâu phải ai cũng đủ điều kiện mua đồ mới để thay thế?
Thầy Cương nói thêm: “Tóm lại, với quy định này theo tôi nhà trường nên công bố, lấy ý kiến của giảng viên, sinh viên trong trường trước khi thực hiện. Cá nhân tôi cho rằng nên bỏ quần jeans ra khỏi danh sách trang phục bị cấm”.
Đồng quan điểm với PGS Văn Như Cương, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng giờ sinh viên mặc quần bò nhiều, tại sao lại cấm? Trừ khi loại quần đó nhố nhăng kiểu như quần bò thủng, quần mài, quần tua rua…
“Đồng ý rằng tại một số hội nghị, hội thảo… cần ăn mặc chỉnh tề để đảm bảo không khí trang nghiêm thì có thể ra quy định cấm mặc quần jeans rách tơi tả, quần bò mài… Còn khi tới giảng đường, khi tập thể dục, thể thao, hay tới thư viện, quy định về trang phục lại phải khác đi chứ?!”, thầy Lâm nêu quan điểm.
Cấm "thả rông" là đúng!
Tuy vậy, cả hai nhà giáo trên đều hết sức ủng hộ các quy định khác về trang phục khi tới giảng đường mà nhiều trường đại học trên cả nước đang thực hiện.
PGS Văn Như Cương cho biết, ở các trường đại học, lẽ ra phải có quy định nên, không nên mặc gì khi tới giảng đường từ lâu rồi bởi đó là xu hướng mà nhiều nước trên thế giới đã và đang theo đuổi. Thậm chí, ở một số nước người ta còn yêu cầu sinh viên, giảng viên khi tới trường phải mặc đồng phục theo mẫu thiết kế sẵn sao cho phù hợp.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ quy định cấm học sinh đi dép lê, mặc quần áo cún cỡn, phản cảm – ngắn hay mỏng quá - tới trường. Những kiểu ăn mặc như váy ngắn quá đầu gối, thả rông ngực hoặc mặc áo cổ quá rộng… đúng là không thể chấp nhận được! Điều đó gây ảnh hưởng tới người khác trong quá trình dạy – học”, thầy Cương nói.
Một sinh viên nữ mặc gợi cảm không đúng chỗ (Ảnh: Zing.vn)
Trong khi đó, thầy Tùng Lâm cho rằng, việc xây dựng, giữ gìn nét văn hóa, nề nếp, bản sắc riêng của mỗi nhà trường là điều hết sức cần thiết. Mỗi trường có truyền thống, giá trị riêng cần tôn vinh và lãnh đạo nhà trường cần làm rõ cái đó cho sinh viên, học sinh nắm được.
Tuy nhiên, về phương pháp, cách thức để giữ gìn, tôn vinh các giá trị đó, lãnh đạo nhà trường nên để cho sinh viên được lựa chọn cách ứng xử cho phù hợp, không nên cứng nhắc, áp đặt. Chưa kể, với cùng một quy định hay, còn phải dựa vào thực tế của từng nhà trường, lãnh đạo trường cần cân nhắc kỹ trước khi áp dụng.
Cũng theo thầy Lâm, muốn quy định về trang phục với giảng viên, học sinh các trường đại học trở nên hợp lý hơn, cần phải xét tới đặc điểm của từng vùng, miền. Không thể lấy ý kiến của một ai đó áp dụng bừa bãi. Trước khi áp dụng cũng cần trao đổi, thảo luận, giáo dục các đối tượng phải thực hiện quy định đó và cần có thời gian để họ kịp thích nghi bởi không phải ai cũng đủ điều kiện thay mới toàn bộ quần áo ngay được.
Bàn về việc xử phạt những sinh viên, giảng viên vi phạm các quy định đã được nhà trường đưa ra, PGS Văn Như Cương nhìn nhận, ở trường phổ thông, người ta làm nghiêm hơn. Nếu học sinh ăn mặc phản cảm, trái với nội quy đã được mọi người thống nhất, sẽ không được cho vào trường.
“Sở dĩ chúng tôi làm nghiêm hơn được là nhờ quy định học sinh phải mặc đồng phục khi tới trường. Để học sinh ăn mặc tự do như sinh viên đại học, rất dễ xảy ra tình trạng phân biệt giàu nghèo”, thầy Cương khẳng định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét