Dễ thấy, số người "bênh vực" Samuel Hoàng không ít, nhưng những ý kiến không đồng tình với lời lẽ mà anh dành cho Thùy Dương thì cũng nhiều vô kể. Liên lạc với Samuel Hoàng ngay khi vụ lùm xùm lên tới đỉnh điểm, nhiếp ảnh gia cũng không ngại ngần bày tỏ tường tận hơn những suy nghĩ của mình trong sự vụ này, bởi theo anh: "Một cách khách quan, những chia sẻ của Thuỳ Dương có tới 100% là sự thật", nhưng sâu xa trong đó thì còn rất nhiều mặt trái khiến anh thấy rằng: "Những gì Thùy Dương lên án không phản ảnh được toàn bộ công việc của nghề người mẫu, điều đó rất dễ gây hiểu lầm và có thêm những cái nhìn phản cảm về thế giới người mẫu, về thế giới thời trang."
Chia sẻ về nghề mẫu cũng như chuyện bị quỵt cát-sê của Thùy Dương cùng những lời phản bác của Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Samuel Hoàng đã tạo nên cuộc "tranh luận gay gắt", gây nhiều chú ý thời điểm này.
Nhiều người đang nói anh hơi gay gắt quá với chia sẻ của Thuỳ Dương?
Thực ra tôi không định trả lời báo chí về vấn đề này vì cậu chuyện chỉ xoay quanh những người làm trong nghề thời trang, nhưng nghĩ lại, các bạn là một kênh cho giới trẻ mà ở đó có sự định hướng rất nhiều cho các em, vì vậy tôi nghĩ mình nên trả lời một lần để mọi người không hiểu lầm và không đưa sự việc đi quá xa.
Trước hết, những chia sẻ tôi viết ra được giới hạn bạn bè và không công khai trên Facebook, chỉ là một lối hành văn hơi trào phúng như cách tôi hay viết về những vấn đề liên quan. Sau khi một số báo đăng lại thì dường như những lời lẽ đó hơi quá gay gắt và cay nghiệt với độc giả. Cũng phải hiểu khi bạn làm nghề, vất vả chẳng kém ai nhưng những gì bạn nhận được từ người nào đó trong ekip lại là lời so bì việc của họ mệt hơn, chắc hẳn, nếu bạn là tôi, bạn cũng sẽ chạnh lòng và cảm thấy không thoải mái. Nếu như những lời lẽ tôi nói ra có quá khắt khe và cay nghiệt với Thuỳ Dương, tôi cũng chính thức xin lỗi em vì ngôn từ của mình và muốn em hiểu, với mọi vấn đề tôi thường thẳng thắn và không thích vòng vo.
Dường như số người bênh và thông cảm cho Thuỳ Dương đang nhiều hơn anh, tức là anh đang ở thế… “bất lợi”. Thử nhận định một cách khách quan, anh nghĩ những chia sẻ của Thuỳ Dương có bao nhiêu % là đúng?
Tôi không nghĩ chúng tôi đăng đàn chỉ trích nhau trên mạng xã hội và vì vậy tôi không quan tâm tôi đang thắng thế hay tôi đang ở thế “bất lợi”. Mỗi một nhận định về một vấn đề luôn có 2 luồng dư luận, người ủng hộ và người phản đối. Một cách khách quan, những chia sẻ của Thuỳ Dương có tới 100% là sự thật, nó nói lên một thực trạng đang diễn ra trong ngành thời trang Việt Nam mà có rất nhiều người trục lợi cũng như lợi dụng sự ngây thơ của các người mẫu để lợi dụng họ. Thế nhưng, trong bài viết tôi chia sẻ, tôi không nói những gì em chia sẻ là sai, mà những gì em lên án không phản ảnh được toàn bộ công việc của nghề người mẫu, điều đó rất dễ gây hiểu lầm và có thêm những cái nhìn phản cảm về thế giới người mẫu, về thế giới thời trang. Trong khi chúng ta đang cố để trở nên chuyên nghiệp thì việc hiểu đúng, hiểu toàn diện về một vấn đề, mọi người cần được biết.
Nhiếp ảnh gia Samuel Hoàng
Vấn đề người mẫu chụp ảnh cho báo chí thì thường không lấy tiền cát-sê đúng là đã thành thông lệ quen thuộc, vì đánh đổi lại là họ được quảng bá hình ảnh rộng rãi. Nhưng mẫu không nổi, chỉ có đi chụp hình không cát-sê thì lấy đâu ra show với quảng cáo mà kiếm tiền. Có thể Thùy Dương được nhiều thuận lợi hơn các người mẫu khác, nhưng cô ấy cũng từng trải qua thời gian không nổi tiếng, nên Dương chỉ nhân sự việc của mình mà giãi bày một chút cho tâm sự của làng mẫu thôi thì sao anh?
Tôi thì nghĩ thế này, trải qua tuổi trẻ ai cũng có những sốc nổi và ai cũng có cái tôi của mình. Tôi cũng từng nghĩ nếu không có tôi thì lấy đâu ra hình đẹp cho người mẫu dùng, lấy đâu ra hình cho NTK sử dụng. Rồi tôi hiểu ra một điều, công việc của tôi sẽ chẳng thành công và cũng không ai biết tôi là ai nếu như tôi thiếu họ, những người làm việc chung trong guồng máy thời trang. Dương còn quá trẻ và những phát ngôn của Dương theo tôi là quá hồ đồ và động chạm tới lòng tự ái của những người đã đưa Dương tới được với công chúng yêu nghề người mẫu, yêu thời trang. Việc giãi bày có thể thông cảm, nhưng lên án những người còn lại, là điều không nên làm. Nếu như tôi không lên tiếng, thì độc giả sẽ hiểu một chiều về nghề này và các bạn trẻ cũng từ đó có những suy nghĩ không đúng về công việc chúng tôi đang làm.
Xuất phát điểm của chúng tôi, cũng từ người không nổi tiếng và đều phải lao động không ngừng nghỉ để được lên báo, và báo chí là cầu nối duy nhất đưa chúng tôi tới được thành công nhất định. Thùy Dương không đại diện cho thế hệ người mẫu trẻ Việt Nam nên những phát ngôn như vậy hơi phiến diện. Có rất nhiều bạn người mẫu trẻ vẫn chăm chỉ làm việc từng ngày và không hề ca thán gì về việc các bạn đó làm. Nếu để nói một cách công bằng, nhiếp ảnh gia là người gần với người mẫu nhất, chúng tôi hiểu được các em vất vả như thế nào, vì vậy đừng vì những phát ngôn thiếu suy nghĩ mà hất bỏ đi công sức của một ekip, rồi làm xấu thêm hình ảnh người mẫu đã quá nhiều điều tiếng.
Xét cho cùng, một bộ ảnh thành công đúng là kết quả công sức của cả một tập thể ekip, mà ít nhất là có stylist, photographer và người mẫu. Nhưng theo lập luận của Thuỳ Dương, thì người mẫu cũng khổ nhiều, có nên thông cảm khi họ phải chịu khổ mà cát-sê thì không có?
Xin được hỏi lại, nếu là thành công của một tập thể thì đâu chỉ có một cá nhân chịu khổ và vất vả. Và vấn đề quỵt cát-sê đâu có xảy ra với tất cả những người mẫu đang làm việc, thậm chí đâu chỉ có mình họ bị quỵt cát-sê? Tôi cũng làm việc rất nhiều và có nhiều lần khách hàng dùng những lý do như không hợp, không đạt yêu cầu để không trả tiền cho công sức của tôi bỏ ra. Tuy nhiên sau đó tôi lại thấy những hình ảnh của mình chụp được dùng để quảng cáo trên những trang thông tin hay thậm chí được in ra tại các cửa hàng. Chúng ta chỉ có thể thông cảm cho sự nỗ lực của các bạn người mẫu, còn đừng bắt khán giả thông cảm và thương hại cho sự thiếu chuyên nghiệp hay khù khờ của mình khi không nắm rõ hợp đồng và điều khoản. Việc bị quỵt tiền lao động của bạn chỉ có thể dùng để đánh giá bạn chưa thực sự chuyên nghiệp, không hơn không kém!
Một số hình ảnh do Samuel Hoàng thực hiện.
Hình như việc bị quỵt nhuận bút anh cũng đã từng gặp phải. Lúc đó, anh có suy nghĩ gì không?
Chính vì chỉ nghe từ một phía mà các bạn đang hiểu sai 2 vấn đề: quỵt tiền nhuận bút ảnh và quỵt tiền chụp cho các nhãn hàng thời trang, quảng cáo. Tiền nhuận bút ảnh thường chỉ là một con số tượng trưng vô cùng nhỏ và đôi khi chúng tôi phải bù tiền túi của mình vào để có những bức hình đăng báo. Nhuận bút của báo chí không nằm trong quỹ lương của báo mà nó được lấy từ tiền quảng cáo và những khoản tiền khác của một kênh truyền thông. Vì vậy tất cả những tờ báo trong nước hay ngoài nước tôi từng làm việc thường chậm nhuận bút từ 3 tháng tới 1 năm thậm chí có những báo không trả nhuận bút.
Về việc này khi bắt đầu công việc của mình theo hướng chuyên nghiệp, tôi hiểu những điều ấy và thường không bao giờ phàn nàn hay có ý kiến. Vì cũng phải hiểu, để có được một bộ ảnh thời trang đẹp, nếu không có báo chí đứng ra, tôi không thể có quyền sử dụng những trang phục hàng hiệu đẹp cho bài chụp cũng như không thể mời được những ekip tốt nhất để làm việc cùng. Thậm chí, từ ý tưởng, di chuyển, ăn ở cho một ekip ít nhất 4 người cho một bộ ảnh thường lên tới vài triệu hay vài chục triệu đồng. Những chi phí đó sao các bạn không nghĩ nếu không có báo chí, ai sẽ là người chi trả để các bạn có những bức ảnh đẹp? Với cá nhân tôi, báo chí như một sợi dây kết nối để hình ảnh của tôi đến được với độc giả và tôi không đặt nặng vấn đề nhuận bút. Còn có thể với những cá nhân khác họ có suy nghĩ riêng của họ và chúng ta cũng nên tôn trọng.
Còn về những hợp đồng quảng cáo lớn, người mẫu, nhiếp ảnh gia ở Việt Nam thường được đặt lịch bằng quan hệ cá nhân và thậm chí còn không có một hợp đồng văn bản nào thoả thuận giữa đôi bên, chính vì vậy việc xảy ra tranh cãi thậm chí “xù” tiền là chuyện nhiều lần xảy ra. Trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, dù bạn là nhiếp ảnh gia, người mẫu, chuyên gia trang điểm, thậm chí stylist cũng đều có công ty quản lý và đại diện. Mọi công việc liên quan đều được xử lý qua những công ty này, chính vì vậy nó hạn chế tối đa những điều không mong muốn. Tại Việt Nam mới chỉ có một vài công ty lớn đứng ra làm quản lý về người mẫu, nhưng ngược lại các bạn người mẫu vì những lý do nào đó (không muốn bị quản lý, không muốn chia lại % cát-sê...) mà trở thành người mẫu tự do. Chính vì vậy không có đơn vị đứng ra bảo vệ về mặt pháp lý, các bạn đương nhiên phải chịu nhiều thiệt thòi. Người ta nói: "Tiên trách kỉ, hậu trách nhân", đừng lên án những người quỵt hay chậm tiền của các bạn mà hãy tự trách chính bản thân mình vì làm việc chưa thật sự chuyên nghiệp để bảo vệ chính mình.
Trong status của anh có nói đến tình trạng người mẫu Việt đang "phá giá", liệu trong đó anh có "ám chỉ" tới Thuỳ Dương?
Đây là một vấn đề tế nhị vì trong môi trường lao động tự do hiện tại, mỗi người mẫu có một giá riêng của mình. Khái niệm “phá giá” tôi ám chỉ là nói tới việc có nhiều người mẫu không thực sự hiểu được đặc thù của công việc họ làm cũng như yêu cầu của khách hàng, đưa ra những con số trên trời. Chẳng hạn, việc chụp sản phẩm khác với việc chụp quảng cáo print ad, nhưng nhiều người mẫu thường nghĩ tên tuổi của mình đáng giá hơn thế và thậm chí còn xem khách hàng là ai để hô giá chặt chém. Tuy nhiên ở cương vị người đi thuê người mẫu, khách hàng thường cảm thấy đây là một sự bất hợp lý và cách làm việc của các bạn như vậy vô cùng trẻ con. Bởi trước khi tìm các bạn, họ cũng đã tham khảo qua rất nhiều những người mẫu khác và họ có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình. Tôi không ám chỉ Thuỳ Dương vì tôi chưa bao giờ hợp tác với em ấy.
Nhiếp ảnh gia Samuel Hoàng: Tôi chỉ muốn nhắn với em ấy và cả những người mẫu đang mang trong mình suy nghĩ oán trách sự bất công của ngành thời trang rằng: "Hãy suy nghĩ tích cực và yêu nghề của mình hơn nữa, hoàn thiện chính mình để trở nên chuyên nghiệp hơn từ việc ký hợp đồng, đừng so bì thiệt hơn giữa các ngành nghề vì xét cho cùng, một người làm giám đốc ngân hàng cũng nhiều mệt mỏi và áp lực như một người làm bảo vệ. "
Cuối cùng, anh có điều gì muốn nhắn nhủ thêm cho những người đang quan tâm tới "cuộc tranh luận" này không?
Để phát triển, chúng ta phải chấp nhận thay đổi, chấp nhận nhìn thẳng vào sự thật là chúng ta còn chưa chuyên nghiệp, sự “chuyên nghiệp” mà chúng ta đang có thực chất chỉ là sự mô phỏng một cách ngô nghê những gì thế giới đang làm. Chúng ta chưa có bản sắc, chưa có cái tôi, càng chưa có định hướng rõ ràng về một nền công nghiệp mà thế giới đã đi trước rất nhiều năm. Thùy Dương không phải là một đại diện người mẫu trẻ tiêu biểu, để có được ngày hôm nay cô ấy đã có rất nhiều sự trợ giúp từ báo chí, từ các nhiếp ảnh gia và từ các NTK. Tôi chỉ muốn nhắn với em ấy và cả những người mẫu đang mang trong mình suy nghĩ oán trách sự bất công của ngành thời trang rằng: "Hãy suy nghĩ tích cực và yêu nghề của mình hơn nữa, hoàn thiện chính mình để trở nên chuyên nghiệp hơn từ việc ký hợp đồng, đừng so bì thiệt hơn giữa các ngành nghề vì xét cho cùng, một người làm giám đốc ngân hàng cũng nhiều mệt mỏi và áp lực như một người làm bảo vệ. "
Tôi lên tiếng vì Dương là một người Việt trẻ, em ấy có nhiều bạn trẻ hâm mộ và muốn noi gương. Vì vậy những phát ngôn của Dương không nên quá hồ đồ vì em phải hiểu, mọi người đã tạo nên một hình ảnh đẹp cho em không phải để em khiến các bạn trẻ bị định hướng sai về nghề nghiệp, về cuộc sống. Khi xác định mình là người của công chúng thì các em nên nhớ một điều: Để có được ngày hôm nay cũng là nhờ công sức của một tập thể, và em đừng khiến dư luận cười vào một tập thể cũng lao động vất vả như em!
Source : kenh14[dot]vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét